[Góc nhìn] Hãy mua một chiếc Flagship năm ngoái thay vì một thiết bị tầm trung năm nay

- 00:57 02/09/2015

Tin công nghệ

0

976

"Hãy mua Flagship năm ngoái thay vì chiếc máy tầm trung năm nay". Tại sao lại như thế, Flagship năm ngoái tốt hơn tầm trung năm nay à? Hãy cùng theo dõi!

Khi mà phân khúc điện thoại tầm trung năm nay đang nóng lên với cuộc chạy đua của các hãng lớn, thì người ta lại hoài niệm về smartphone năm ngoái. Vòng vèo qua vài chỗ, đọc một vài mẩu tin, tôi lượm lặt được câu nói "Hãy mua Flagship năm ngoái thay vì chiếc máy tầm trung năm nay". Tại sao lại như thế, Flagship năm ngoái tốt hơn tầm trung năm nay à? Hãy cùng theo dõi!

 

Cuộc chiến trung cao cấp

Flagship 2014 đã thể hiện mình thế nào?

 

Năm 2014, các hãng lớn như thường lệ đều cho ra mắt những chiếc flagship đình đám của họ. Phần lớn chúng đều thành công nhưng cũng có những flagship không được như mong đợi.

Flagship đáng thất vọng nhất của năm 2014 đó chính là chiếc Galaxy S5 của Samsung. Chiếc smartphone này nhận được khá nhiều lời chỉ trích từ phía người dùng khi sở hữu thiết kế không thật sự cao cấp và bắt mắt mặc dù được tích hợp khá nhiều những tính năng tiên tiến như khả năng chống thấm nước, cảm biến nhận dạng vân tay, kết hợp cùng phần cứng mạnh mẽ và giao diện được đổi mới hoàn toàn. Tuy nhiên chiếc Note 4 đã cứu lại một bàn thua trông thấy cho Samsung, khi đã ‘trưởng thành’ hơn với khung viền nhôm sang trọng và cứng cáp cùng cấu hình được xếp vào hạng mục mạnh mẽ bậc nhất tại thời điểm đó và kể cả thời điểm hiện tại, cùng việc tích hợp bộ cảm biến đo nhịp tim, đo tia cực tím UV, camera quay video 4K, một màn hình tuyệt đẹp và rất nhiều những tính năng thông minh khác.

 

Galaxy S5

Galaxy S5 là Flagship không đạt được thành công như mong đợi

 

Cũng có những Flagship chỉ được coi là bản nâng cấp của người tiền nhiệm nhưng vẫn đạt được thành công lớn. Như chiếc One M8 của HTC là phiên bản kế nhiệm của One M7 nhưng vẫn chiếm được lòng tin của người dùng. Vẫn 'xào lại' ngôn ngữ thiết kế y hệt bản tiền nhiệm, song One M8 đã khởi sắc hơn với chất liệu vỏ được làm hoàn toàn bằng kim loại, cùng nhiều công nghệ tiên tiến hơn đến từ cặp loa âm thanh BoomSound, camera kép Ultrapixel. Đây cũng là lí do giúp tình hình tài chính HTC thuận lợi hơn trong những quý vừa qua.

Cũng có thể kể đến LG G3, một bản nâng cấp tuyệt vời so với người tiền nhiệm G2 năm 2013. Trang bị nhiều công nghệ đỉnh cao như khả năng lấy nét bằng laser, màn hình độ phân giải siêu cao QHD, nắp lưng dạng xước kim loại, 3 phím cứng cơ bản gần cụm camera cũng được làm mới, máy cũng thon gọn hơn so với kích thước khổng lồ 5.5 inch. Chính nhờ vậy mà G3 đã đạt một mốc doanh số khủng, 3 triệu chiếc đến tay khách hàng sau 3 tháng lên kệ. Cùng với đó là sự "mắn đẻ" của Sony, khi cho ra mắt liền tù tì hai chiếc Xperia Z2 và Xperia Z3 chỉ trong vòng 9 tháng. Chiếc Xperia Z3 đã thật sự hoàn thiện hơn với khung viền kim loại, bên cạnh đó , thời lượng pin tốt, màn hình rõ nét, độ sáng cao cũng đã tạo sức hút lớn đối với người dùng.

 

iPHone 6

iPhone 6 dù đã ra mắt gần 1 năm nhưng vẫn còn đó sức hút.

 

Nhưng cũng có những flagship không lép vế về cấu hình mà lại là nền tảng như chiếc Lumia 930. Ấn tượng từ camera 20MP PureView, Lumia 930 còn sở hữu những đặc điểm nổi trội khác như thiết kế cứng cáp và cao cấp từ khung nhôm, màn hình đẹp, cấu hình mạnh mẽ cùng hiệu năng mượt mà. Xét về phần cứng, Lumia 930 thừa sức để cạnh tranh với các đối thủ khác, nhưng nền tảng phần mềm chính là yếu tố khiến mẫu sản phẩm này bị ‘thụt lùi’ một bậc.

Nhắc đến Flagship của năm 2014 mà không kể tới iPhone thì quả là thiếu sót. Ra mắt hồi tháng 9 năm 2014 nhưng sức nóng của iPhone 6 đến nay vẫn chưa hề thuyên giảm. iPhone 6 đã có khá nhiều thay đổi so với bản tiền nhiệm iPhone 5S, kèm một màn hình lớn, thiết kế cũng đã 'lột xác' với các góc cạnh được bo cong mềm mại hơn. Về phần iPhone 6 Plus, Là phiên bản nới rộng về kích thước, được trang bị một màn hình cực kỳ sắc nét, thời lượng pin khủng, camera chống rung quang học OIS. Mặc dù dính phải những scandal gây mích lòng người hâm mộ như tình trạng dễ bị bẻ cong, hay lỗi treo máy, tự khởi động lại do bộ nhớ flash TLC NAND sử dụng cho bản 128GB, nhưng doanh thu của iPhone 6 Plus vẫn rất tốt.

 

Flagship 2014

Trọn bộ Flagship của năm 2014

 

Hãy mua Flagship năm ngoái thay vì một chiếc máy tầm trung của năm nay!

Bạn hiểu Flagship thế nào? Theo cách hiểu của tôi thì Flagship là smartphone cao cấp nhất, là sản phẩm chủ đạo của các hãng từng năm. Thông thường mỗi năm sẽ có từ một đến hai flagship của một hãng được ra mắt như Galaxy S Series của Samsung, One Series của HTC, G Series của LG, Xperia Series của Sony, Find Series của Oppo và Nexus Series của Google.... Khi chọn smartphone phải chú ý đến điều này đầu tiên. Thứ nhất những chiếc flagship thường có cấu hình mạnh nhất và mang nhiều công nghệ nổi trội nhất vào năm sản xuất. Mỗi chiếc flagship có giá trị sử dụng lâu dài, đến 2- 3 năm sau vẫn chưa bị lỗi thời. Ví thử như năm 2014 tôi mua một chiếc Xperia Z3 và sử dụng đến năm 2016 thì khi sử dụng hay khi người khác nhìn vào vẫn khá là sang trọng. Đặc biệt là khi được giảm giá thì giá của Flagship giảm rất mạnh.

Năm 2015 có thể nhận định là năm của smartphone tầm trung khi mà các hãng chuyển hướng từ tập trung vào smartphone cao cấp sang tập trung vào smartphone tầm trung và giá rẻ. Mỗi hãng đều cố gắng cho ra mắt nhiều mẫu smartphone tầm trung trong năm nay, như dòng Xperia M, C của Sony, dòng E của HTC hay dòng Galaxy A của Samsung. Cấu hình của những smartphone tầm trung này cũng đang dần đuổi kịp các sản phẩm cao cấp, khi mà RAM được nâng lên từ 2 đến 3GB, chip xử lý Helio X10, Snapdragon 801, 615, Exynos 5420 rất mạnh mẽ. Đây là những con chip tiệm cận cao cấp mà smartphone tầm trung của năm 2014 chưa từng được trang bị.

Xperia M5 Aqua là chiếc máy tầm trung với cấu hình mạnh.

>>> Có thể bạn quan tâm: thay màn hình cảm ứng Samsung Galaxy A8 2016 chính hãng, giá rẻ. 

Vậy tại sao người ta vẫn nói: "Hãy mua Flagship năm ngoái thay vì một chiếc máy tầm trung năm nay". Trước hết hãy nhìn dưới góc độ một người dùng smartphone. Họ chỉ nhìn vào cấu hình của smartphone ABC này và nói rằng nó này mạnh mẽ hơn cả smartphone XYZ kia. Họ không biết rằng, giá trị của mỗi chiếc smartphone không chỉ nằm ở cấu hình. Nó còn là giá trị của sự tinh tế, sự sang trọng cùng với đẳng cấp của chúng nữa.

Không tự nhiên mà các hãng sản xuất smartphone theo từng phân khúc, tại sao họ không sản xuất một chiếc smartphone tầm trung và cấu hình cực mạnh đi trong khi chi phí bỏ ra vẫn chỉ tương đương tầm trung. Một smartphone tầm trung hiện nay sử dụng chip Snapdragon 615 giá 7 triệu đồng, nhà sản xuất có thể trang bị cho nó con chip Snapdragon 801 thậm chí là 810 với cùng mức giá đó nhưng họ không làm. Ví dụ như chiếc One Plus 2 - kẻ hủy diệt smartphone, giá bán của nó cũng chỉ tương đương những chiếc smartphone tầm trung khác. Vậy thì tại sao? Đơn giản là vì, nếu một chiếc smartphone tầm trung, có đủ tất cả các công nghệ, cấu hình mạnh tương đương với một chiếc smartphone cao cấp thì còn ai mua smartphone cao cấp với giá cao hơn nhiều lần nữa. Họa chăng chỉ có những người thích khoe khoang.

Thêm nữa, tuy công nghệ đã phát triển rất nhanh, nhưng chưa nhanh đến mức mỗi một năm người ta có thể sáng tạo ra một công nghệ mang tính đột phá. Các hãng nếu không "để dành" công nghệ, thì năm nay ra mắt smartphone với công nghệ mới này rồi, năm sau chưa có công nghệ mới thì phải làm sao? Chẳng nhẽ lại làm ra một chiếc smartphone mới nhưng bên trong thì y hệt như cũ, họa chăng chỉ là nâng cấp chút ít. Điều này đúng với Sony khi mà chiếc Z3 ra mắt cùng năm với chiếc Z2 không có nhiều khác biệt.

LG G3

Năm ngoái nở rộ cảm biến vân tay, còn năm nay là gì?

 

Smartphone tầm trung năm 2015 đang tiệm cận smartphone cao cấp, vậy có ngược lại với câu nói trên? Hoàn toàn không! Flagship là dòng chủ lực của hãng, nó luôn là thứ để các hãng phô diễn công nghệ, phô diễn kĩ thuật và cả triết lý thiết kế, là những thứ tốt nhất của hãng. Trong phạm vi sản phẩm của một hãng, không có một smartphone nào có thể vượt mặt được flagship, kể cả khi so sánh smartphone tầm trung năm 2015 và flagship năm 2014. Điều này là bởi smartphone năm 2015 phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của các công nghệ từ năm 2014.

Về thiết kế, bạn có bao giờ thấy một chiếc smartphone tầm trung được gia công, sử dụng vỏ nhôm nguyên khối, vỏ kim loại hay ốp bằng kính chưa? Flagship thì có bởi vì nó là bộ mặt thiết kế của hãng sản xuất. Smartphone tầm trung thường chỉ sử dụng chất liệu nhựa, cao cấp hơn là nhựa giả một số vật liệu khác như nhựa giả da, nhựa giả kim loại, nhựa giả kính. Chúng hoàn toàn không có dáng vẻ cao cấp như những chiếc smartphone cao cấp. Có chăng đó chỉ là dáng vẻ cao cấp "nửa mùa". 

 

Xperia Z3

Smartphone cao cấp (Flagship) luôn đem lại cảm giác cao cấp "thực sự".

 

Xét về cơ bản, công nghệ của smartphone trung cấp đã tiệm cận smartphone cao cấp, nhưng xét một cách sâu xa, thì không phải vậy. Như đã nói, các hãng luôn để dành công nghệ tốt nhất cho Flagship của mình, nên những công nghệ "để dành" đó chẳng bao giờ có được trên smartphone trung cấp. Bạn đã bao giờ thử nhìn qua màn hình smartphone cao cấp và so sánh với màn hình của smartphone trung cấp chưa? Có khá nhiều khác biệt đấy! Camera thì sao, cũng khác rồi. Cảm biến đo nhịp tim, đo tia cực tím UV, camera quay video 4K, màn hình QHD, chống rung quang học OIS là những thứ smartphone tầm trung không được trang bị.

Về giá trị sử dụng, như đã nói ở trên, một Flagship có giá trị sử dụng rất lâu dài và lâu lỗi thời, trong khi, smartphone tầm trung, chỉ nửa năm thôi, chẳng ai còn nhớ tới nó! Tại sao tôi nói như vậy, bởi hiện tại phân khúc trung cấp đang là chiến trường cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng, hãng nãy ra chiếc tầm trung này, các hãng khác sẽ đáp trả bằng các sản phẩm tương tự. Điều này diễn ra cực nhanh, khi mà chỉ cách đây gần 3 tháng là sự ra mắt của Xperia M4 Aqua, HTC E8 Dual, vậy mà tháng 9 này Xperia M5 Dual, HTC E9 Dual đã rục rịch lên kệ. Quá nhanh phải không?

Galaxy A8 vs Xperia Z2

Nếu là người dùng trung lập bạn sẽ chọn Galaxy A8 hay Xperia Z2 khi cùng mức giá?

 

Ngoài ra, các Flagship chắc chắn được nâng cấp phần mềm nhanh và đầy đủ hơn các thiết bị tầm trung, đây là điều "sống còn" mà các hãng sản xuất phải làm để cạnh tranh với các đối thủ. Flagship mặc định luôn phải được cập nhật đầy đủ, nếu không, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thế hệ Flagship tiếp theo. Quan điểm này luôn đúng trong trường hợp 2 sản phẩm cùng hãng và khác hãng, một số ví dụ có thể kể đến như: Galaxy Note 4 vs Galaxy A8, HTC One M8 Eye vs HTC Desire 826, Sony Xperia Z2 vs Galaxy A8, LG G3 vs Galaxy A7... rõ ràng các flagship luôn chiếm ưu thế hơn nếu xét tổng quan. 

Chung quy lại, tại thời điểm này, tôi sẽ chọn mua Flagship năm 2014 thay vì một chiếc smartphone tầm trung năm 2015 khi mà giá của chúng chỉ tương đương nhau. Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm trên?

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả sau khi tham khảo câu nói của Vlogger Vật Vờ.

Theo Thegiodidong

Được viết bởi
Giới thiệu ngắn về Đỗ Đức Sang Đỗ Đức Sang là Trưởng Phòng Content Marketing của MobileCity. Mình rất thích sách và cũng thích viết nữa. Mình luôn thích viết ra những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân ở bất cứ khoảnh khắc nào đặc biệt để lưu giữ lại làm kỉ niệm. Với bản thân Đỗ Đức Sang, viết chính là gửi gắm lại những cảm xúc, cảm nhận, đánh giá chân thực nhất của mình với một vấn đề nào ...

Hỏi đáp & đánh giá [Góc nhìn] Hãy mua một chiếc Flagship năm ngoái thay vì một thiết bị tầm trung năm nay

5/5

0 đánh giá và hỏi đáp

5 Sao
compelete
0
4 Sao
compelete
0
3 Sao
compelete
0
2 Sao
compelete
0
1 Sao
compelete
0

Bạn có vấn đề cần tư vấn?

Gửi câu hỏi

Bạn chấm bài viết này bao nhiêu sao?

Bạn cần hỗ trợ?