Nguyễn Thị Kim Ngân - 11:02 26/02/2024
Giải tríCùng chúng tôi review phim Đất Rừng Phương Nam, một tác phẩm điện ảnh gây xôn xao dư luận, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng trong thời gian vừa qua. Được đạo diễn bởi Nguyễn Quang Dũng, bộ phim được đánh giá cao từ nhiều nhà phê bình và khán giả. Liệu đây có phải là tác phẩm "khuôn vàng thước ngọc" của điện ảnh Việt không, cùng review phim Đất Rừng Phương Nam nhé!
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, tác phẩm điện ảnh Đất Rừng Phương Nam mang đến một cảm giác mới lạ, ít sử dụng các tình tiết từ bản truyện hay từ bản phim truyền hình Đất Phương Nam (1997). Để bắt đầu, hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài thông tin chính của bộ phim này nhé!
Trong dàn diễn viên của Đất Rừng Phương Nam, có sự góp mặt của những ngôi sao lão làng trong làng điện ảnh Việt Nam như Trấn Thành, NSƯT Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Huỳnh Đông, Mai Tài Phến, cùng với các nữ diễn viên như Hồng Ánh, Băng Di, Tuyền Mập...
Vai cậu bé An do diễn viên nhí Hạo Khang đảm nhận, là một gương mặt mới trong làng diễn xuất. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng cậu đã thể hiện rất tốt cảm xúc của nhân vật, đặc biệt là trong những cảnh quan trọng như khi nhân vật An gặp nỗi đau mất mẹ, xúc động nghẹn ngào khi gặp lại cha, hay biểu cảm lo lắng cho Út Lục Lâm.
Bé Bảo Ngọc, trong vai Xinh, luôn tạo nên bầu không khí vui nhộn với tiếng cười trong trẻo và giòn tan. Bảo Ngọc thể hiện xuất sắc, hoàn toàn tự nhiên và không bị lấn át khi đứng cùng với "bạn diễn" dày dặn kinh nghiệm như Tiến Luật.
Cô bé cũng khá đồng điệu với Hạo Khang, tạo thêm sự đáng yêu và cuốn hút cho tình bạn giữa An và Xinh. Đặc biệt, cảnh bé Xinh rơi nước mắt khi gặp ông Tiều chắc chắn sẽ khiến người xem cảm động và đồng cảm.
Đỗ Kỳ Phong đảm nhận vai Cò, người bạn thân của An. Mặc dù có ít đất diễn nhất trong ba diễn viên nhí, cậu có phần mờ nhạt đáng tiếc do kịch bản "Đất Rừng Phương Nam" chưa đủ phát triển cho nhân vật nhỏ tuổi như trong phiên bản truyền hình, tuy nhiên, Đỗ Kỳ Phong vẫn "ghi điểm" bởi vẻ nghịch ngợm và dí dỏm của mình.
Đồng hành cùng An là Út Lục Lâm do nam diễn viên Tuấn Trần thủ vai. Tuấn Trần đã tạo nên một Út Lục Lâm tràn đầy sức sống, có chút ma mạnh, nhiều toan tính và thực dụng. Xuyên suốt bộ phim, anh đã mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả với những tình huống Út Lục Lâm giả làm công tử giàu sang, đóng vai vợ của sĩ quan chỉ huy Pháp, hoặc qua những cuộc đối thoại hài hước, hóm hỉnh với cậu bé An.
Vai ông Tiều, người làm nghề Sơn Đông mãi võ do Tiến Luật thủ vai, đã có nhiều phân cảnh hơn so với phiên bản truyền hình. Qua diễn xuất của Tiến Luật, nhân vật ông Tiều được thể hiện với sự kiêu hãnh, không chịu bị khuất phục giữa tù đày. Trong phân cảnh khi biết tính mạng của con gái bị đe dọa, ông Tiều biểu lộ cảm xúc phẫn uất vô cùng xuất sắc thông qua cử chỉ khuôn mặt và ánh mắt.
Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tham khảo Review phim Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy, bộ phim hài lầy lội với chiêu trò trộm cướp đầy giải trí.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Đoàn Giỏi, Đất Rừng Phương Nam lấy bối cảnh tại rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang, kể về cuộc đời của cậu bé An. Ban đầu, An sống cùng ba mẹ tại thành phố, tuy nhiên, sau ngày 2/9 năm 1945, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng tổng tấn công vào miền Nam, buộc mọi người phải di tản khắp nơi.
Khi đó, An và mẹ đã phải bỏ lại ngôi nhà, lang thang khắp miền Tây Nam Bộ. Trên đường di chuyển, một tai nạn kinh hoàng xảy ra khiến An trở thành cậu bé mồ coi mẹ, lang thang một mình trên con đường tìm kiếm cha.
Trên hành trình trở về phương Nam, An đã gặp gỡ rất nhiều người tốt bụng chăm sóc và bảo vệ cậu. Trong đó có Út Lục Lâm, một thanh niên từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ và sống lang thang, lưu lạc khắp nơi, thậm chí phải đi trộm cắp để kiếm sống. Hai anh em Út Lục Lâm và An cùng nhau tìm kiếm cha và khám phá tình hình xung quanh.
Nhưng chính nơi đó là nổ ra một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền thực dân Pháp và lực lượng đồng minh của họ. Sau khi lạc mất Út Lục Lâm, An được một võ sư nhận làm đệ tử và theo học võ thuật để tự bảo vệ và sinh tồn.
Thời gian trôi qua, An phải chứng kiến những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời đau khổ của người nông dân dưới sự áp bức từ địa chủ và thực dân trong một vùng đất rộng lớn. Những người nông dân phải đối mặt với những mất mát, bị đẩy vào bước đường cùng của tuyệt vọng. Tuy nhiên, An vẫn luôn được yêu thương và che chở bởi lòng nhân ái chân thành và đùm bọc của những người dân Nam Bộ.
So với bản gốc, phiên bản điện ảnh Đất Rừng Phương Nam đã tăng thêm phần yếu tố bi kịch cho cuộc đời của cậu bé An. An không chỉ thất lạc cả cha lẫn mẹ trong quá trình sơ tán, mà mẹ cậu còn bị quân địch Pháp sát hại khiến cậu bé phải sống tha hương, lưu lạc để tìm kiếm cha.
Ngoài các yếu tố lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, Đất Rừng Phương Nam còn tập trung khai thác các giá trị nhân văn như tình cảm gia đình, tình bạn, tình đồng bào và tình thầy trò... Đây là những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến từng khoảnh khắc trong cuộc đời của An và những người bạn đồng hành trong suốt hành trình tha hương lưu lạc tại các tỉnh miền Nam.
Bên cạnh đó, tình yêu quê hương đất nước cũng là một khía cạnh quan trọng được truyền tải trong bộ phim, được thể hiện qua sự tận tụy và quyết tâm của các nhân vật trong việc chống lại sự áp bức đô hộ và bảo vệ đất nước.
Nhìn chung, bối cảnh phim Đất Rừng Phương Nam được đầu tư rất công phu và kỹ lưỡng. Mặc dù có sự đầu tư lớn với việc tái hiện cảnh chợ nổi và cảnh quay thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, tuyệt đẹp, nhưng bộ phim lại nhận bị nhận xét là quá hiện đại so với kịch bản, cả màu phim và tạo hình nhân vật đều chưa khiến người xem cảm nhận được trọn vẹn bầu không khí trong nguyên tác.
Điển hình như đại cảnh chợ nổi trong bộ phim với một cây cầu lớn, có chòi gác và những ngôi nhà hai bên sông được thiết kế rất khang trang và tỉ mỉ khiến nhiều khán giả cảm thấy phim như đang sử dụng kỹ xảo CGI và có vẻ hơi "ảo". Hơn nữa, các nhân vật trong phim mặc quần áo là lượt, quần mới áo sang, không phù hợp với hình ảnh chân chất của người dân miền Nam trong thời kỳ đói khó năm 1945.
Với một dự án phim lịch sử như thế này, việc bám sát với thực tế là rất cần thiết, nhưng Đất Rừng Phương Nam đã làm vượt quá, khiến khán giả cảm thấy thiếu thốn một phần nào.
Dàn diễn viên trong phim đã nỗ lực hết sức để thể hiện toàn diện, tròn vai với các nhân vật được giao. Không chỉ vậy, các phân cảnh hành động cũng được thực hiện một cách ấn tượng và đáng ngưỡng mộ, tạo nên những trải nghiệm mãn nhãn cho khán giả.
Tuy nhiên, khâu dựng phim và tạo hình nhân vật, vẫn còn một số vấn đề, đặc biệt là tạo hình của nhân vật Bác Ba Phi do Trấn Thành đóng và nhân vật Võ Tòng do Mai Tài Phến thủ vai. Bộ râu giả và cách diễn xuất hơi cường điệu của Trấn Thành đã làm mất đi hình ảnh của Bác Ba Phi, một nhân vật đầy trưởng thành và điềm đạm.
Trong truyện, Võ Tòng được mô tả là người có sẹo, đôi mắt sâu thẳm, làn da trắng và ở trần, mặc quần kaki của lính Pháp, mang trong mình vẻ khắc khổ và uy nghiêm, toát lên hào khí kiên của người anh hùng. Nhưng Mai Tài Phến lại không thể thể hiện đúng khí chất của Võ Tòng, với hình ảnh rách rưới, tóc tai bù xù, không tạo nên sự uyển chuyển và khí chất của nhân vật.
Có thể nói, dù luôn bị so sánh với phiên bản truyền hình, Đất Rừng Phương Nam vẫn là một tác phẩm chuẩn chỉnh, chất lượng đến từng khung hình. Đây là một dự án phim có kinh phí đầu tư lớn, được coi là bom tấn của điện ảnh Việt, đáng để các bộ phim Việt khác noi theo và học hỏi từ khâu sản xuất, casting, quay phim đến biên tập hậu kỳ.
Trên đây là toàn bộ phần review phim Đất Rừng Phương Nam. Hãy xem ngay để kiểm chứng xem bài viết của chúng tôi có đúng không nhé!
Hỏi đáp & đánh giá Review phim Đất Rừng Phương Nam: Bối cảnh hoành tráng nhưng có thực sự đã?
0 đánh giá và hỏi đáp
Bạn có vấn đề cần tư vấn?
Gửi câu hỏi