Đang cập nhật - 07:40 18/02/2017
Tin công nghệChuyện những gã khổng lồ công nghệ đang hùng mạnh hoặc thậm chí là thống trị thị trường bỗng dưng sụp đổ sau vài năm không phải là hiếm. Trong số những gã khổng lồ hiện tại của chúng ta, ai là kẻ dễ ngã nhất?
Câu trả lời là Apple.
Đầu tiên, nếu nhìn vào lịch sử công nghệ, bạn sẽ thấy số lượng các gã khổng lồ phần cứng gục ngã đông đảo hơn hẳn các gã khổng lồ chuyên về dịch vụ mạng hoặc phần mềm. Trên lĩnh vực dịch vụ mạng và phần mềm, có lẽ chỉ có cái chết của Yahoo là thực sự đáng nhớ (cần chỉ rõ ra rằng ở đây chúng ta chỉ nhắc tới các công ty thực sự "khổng lồ", không chỉ có vị thế áp đảo mà còn hoạt động ổn định thay vì chỉ dừng ở mức độ startup). Trên lĩnh vực phần cứng, thế hệ 8X trở đi đã từng được chứng kiến những cú ngã sấp mặt của Kodak, Compaq, Palm, Motorola, Nokia, BlackBerry... Nếu mở rộng sâu hơn về quá khứ, chúng ta còn có thể kể đến Commodore, DEC, Acorn (công ty trực tiếp khai sinh ra ARM).
Như vậy, rõ ràng các gã khổng lồ phần cứng dễ ngã hơn các gã khổng lồ phần mềm. Thị trường ngày nay cũng vậy. Google thực chất đã độc chiếm thị trường tìm kiếm từ thời PC cho đến thời smartphone, Microsoft dù hết thời nhưng lúc nào cũng vẫn là một "gã khổng lồ" đích thực với doanh thu thuộc hàng top thế giới. Những năm gần đây còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Facebook trên lĩnh vực mạng xã hội, gián tiếp cùng với Google đẩy Yahoo vào chỗ chết. Amazon sau nhiều năm chìm nổi trong cuộc đua e-com phức tạp nay bỗng dưng bùng nổ mạnh mẽ nhờ đám mây AWS và các công nghệ AI của Alexa.
Tại sao lại có hiện tượng "phần mềm dễ tồn tại hơn phần cứng"? Nếu để ý, bạn sẽ thấy các gã khổng lồ thường có một vài danh mục mang tính chất phụ thuộc, "mất là chết". Apple của thập niên 1980 phụ thuộc vào máy Macintosh và ngày nay phụ thuộc vào iPhone, Google sống chết bằng doanh thu quảng cáo do tìm kiếm mang tới, Facebook bằng quảng cáo trên mạng xã hội, Microsoft bằng hệ điều hành.
Đây là chìa khóa mấu chốt của vấn đề: thị trường phần mềm ít khi biến động mạnh như thị trường phần cứng, và với mỗi lần biến động thì các công ty phần mềm vẫn dễ tồn tại hơn.
Thử lấy ví dụ là cuộc cách mạng di động do Apple khởi xướng. Sau khi cuộc cách mạng này nổ ra, trước cả khi tham vọng Android lộ ra rõ ràng, Google nhanh chóng bắt tay với Apple để đưa YouTube và trình duyệt của mình lên hệ điều hành mới. Cho đến tận những năm gần đây, Google vẫn trả cho công ty của Tim Cook khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để giữ vị trí mặc định của Google Search trên Safari.
Còn Microsoft dù bị cuộc cách mạng này làm cho khốn đốn nhưng cuối cùng vẫn sống tốt, sống khỏe bằng Windows, Office và mới đây là nhiều dịch vụ đưa lên mây. Doanh thu hàng tỷ USD mỗi quý của Microsoft kể từ thời bị Apple và Google hạ bệ cho đến nay cho thấy chừng nào người dùng vẫn còn cần đến PC, cần trải nghiệm văn phòng thì Microsoft vẫn còn sống tốt – bất kể là smartphone hay thứ đồ dùng phần cứng gì khác đang làm chủ thị trường.
Đến năm 2016, khi các xu thế mới như AR/VR, AI và Internet of Things bắt đầu vươn lên thì các công ty như Google và Microsoft cũng nhanh chóng có những động thái làm chủ công nghệ phần mềm thay vì phần cứng. Rõ ràng là các thế mạnh phần mềm sẽ khó bị phai mờ khi phần cứng biến động: ngay cả khi kính, loa lẫn tủ lạnh đều có thể trở nên thông minh thì vị thế khổng lồ phần mềm cũng không thể sứt mẻ.
Phần cứng không có được may mắn như vậy. So với quá trình sản xuất phần mềm thì sản xuất phần cứng có khả năng thích ứng thấp hơn rất nhiều. Với mỗi lần biến động trên thị trường phần cứng (một loại thiết bị nào đó thay thế thiết bị cũ trở thành "hot" nhất), các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với hai lưỡi kéo: một mặt phải thu nhỏ quy mô loại thiết bị cũ để giảm chi phí, mặt khác phải nghiên cứu phương hướng sản xuất thiết bị mới.
Đây là một thử thách khổng lồ. Ví dụ kinh điển là khi smartphone và tablet gây bão, khiến cho thị trường PC bắt đầu khủng hoảng vào đầu thập niên 2000, phần lớn các nhà sản xuất PC đều không thể dịch chuyển lên thị trường mới một cách hiệu quả. HP và Dell chìm vào khủng hoảng, ngay đến cả các công ty Châu Á có tính thích ứng cao như Lenovo và ASUS cũng không phải là ngoại lệ.
Chính điều này khiến cho vị trí của Apple trong số các gã khổng lồ công nghệ hiện tại là đáng lo ngại nhất. Đúng là Apple vẫn là công ty có trị giá vốn hóa lớn nhất, song đã nhiều năm qua công ty của Tim Cook đã vật lộn không thể nhìn ra loại thiết bị nào có thể thay thế smartphone trở thành thiết bị trung tâm trong cuộc sống số của người dùng. Quả nhiên, đến khi thị trường nguội lạnh vào năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của Apple nhanh chóng giảm sút, buộc các nhà phân tích thị trường phải nghĩ đến những kịch bản u ám tương tự như thời kỳ John Sculley.
Vậy còn Samsung thì sao? Gã khổng lồ Hàn Quốc này cũng là một công ty phần cứng như Apple, nhưng trong suốt lịch sử Samsung đã tỏ rõ bản lĩnh là kẻ rất sẵn sàng bắt kịp với thời cuộc. Gần như trong bất kỳ một giai đoạn nào Samsung cũng sẵn lòng dịch chuyển từ thị trường này sang thị trường khác. Điển hình nhất, trong những năm gần đây smartphone chưa kịp nguội hẳn thì Samsung đã có động thái rõ ràng với VR và smarthome. Hơn nữa, Samsung trong suốt 2 năm qua đã xây dựng được thế mạnh đặc biệt trên 2 mảng gia công chip và màn hình hiển thị - 2 loại linh kiện gần như không thể thiếu với bất kỳ một cuộc cách mạng di động nào trước mắt.
Theo các bạn, trong số các gã khổng lồ công nghệ hiện nay, ai sẽ là kẻ gục ngã đầu tiên trong tương lai (xa)? Hãy cho chúng tôi biết câu trả lời và lý do của bạn.
Bài viết từ Genk.vn
Hỏi đáp & đánh giá Theo bạn, gã khổng lồ công nghệ nào dễ theo bước Nokia và BlackBerry nhất?: Apple, Google hay Samsung...
0 đánh giá và hỏi đáp
Bạn có vấn đề cần tư vấn?
Gửi câu hỏi